by admin

TỘC ƯỚC

GIA TỘC HỌ NGUYỄN THƯỢNG ĐẠT

—–***—–

Họ Nguyễn Thượng Đạt được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XVIII dưới các triều vua Lê Trung Hưng cách đây trên 300 năm là một trong những dòng họ lớn và lâu đời ở Thái Bình. Ngay từ khi rời Thanh Hóa chọn mảnh đất Thượng Đạt để lập nghiệp Cụ Tổ Nguyễn Viết Thành đã dầy công khai hoang phục hóa, mở rộng điền thổ, ruộng vườn… từng bước ổn định cuộc sống, đồng thời chú trọng xây dựng gia phong, đạo đức, lối sống cho con cháu. “Nếp nhà” từ buổi đầu sơ khai đến nay đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dòng Họ: Yêu nước, cách mạng, đoàn kết, hiếu lễ, hiếu học và khoa bảng… Họ Nguyễn Thượng Đạt có Hội đồng gia tộc (HĐGT) từ rất sớm đã quy tụ được con cháu khắp mọi miền đất nước hướng về Tiên Tổ cùng nhau dựng xây, gìn giữ truyền thống, gia phả, mộ phần, từ đường, nhà thờ… Đặc biệt trong suốt 300 năm qua mộ phần Cụ Tổ, Từ Đường Họ thường xuyên được quan tâm gìn giữ, thờ cúng, trùng tu, xây dựng 4 lần, đến năm 2019 được xây dựng mới khang trang tôn nghiêm. Các ngày lễ, tết, ngày giỗ và tuần rằm hàng tháng rất đông con cháu về dâng hương cầu phúc. Đó là nét đẹp văn hóa mà ít dòng họ có được. Để đảm bảo cho hoạt động của dòng họ ngày càng nề nếp, phong phú, thể theo tâm tư nguyện vọng của các chi, phái, ngành, các thành viên trong họ. Hội Đồng Gia Tộc ban hành Tộc ước quy định về hoạt động của Họ Nguyễn Thượng Đạt cụ thể như sau:

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Tộc ước quy định về hoạt động của Họ Nguyễn Thượng Đạt trực tiếp điều chỉnh các mối quan hệ trong nội tộc, các hoạt động của HĐGT và tất cả các gia đình, con cháu trong dòng Họ.

Những quy định trong Tộc ước được chọn lọc từ truyền thống của dòng Họ, phù hợp với thuần phong mỹ tục, nghi lễ ở địa phương và pháp luật hiện hành.

Tộc ước là những quy định rất quan trọng vì vậy HĐGT, các chi, phái, ngành, các bậc cao niên và từng gia đình phải chủ động, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, động viên con cháu thực hiện Tộc ước, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng Họ phù hợp với đời sống văn hóa ở khu dân cư, bản làng, thôn xóm.

Các quy định, nội dung trong Tộc ước thường xuyên được HĐGT cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 2. Gia phả

Gia phả là một khái niệm gốc từ Hán Việt, trong đó “Gia” có nghĩa là gia đình, gia tộc, họ tộc và “Phả” mang ý nghĩa cuốn sách biên chép về con người và sự việc theo thứ tự, hệ thống. Nó là một cuốn sách ghi chép lịch sử và thông tin về các thế hệ của một gia đình hoặc họ tộc.

Gia phả có mục đích là ghi nhận và duy trì kỷ niệm về tổ tiên, về quá trình hình thành và phát triển của họ tộc qua các thế hệ. Gia phả thường chứa thông tin về ngày tháng sinh, hôn nhân, con cái, ngày mất, phần mộ và các sự kiện đáng chú ý khác trong họ tộc.

Tổ chức và duy trì gia phả không chỉ giúp bảo tồn truyền thống gia đình và họ tộc mà còn giúp con cháu hiểu rõ nguồn gốc và quá trình hình thành của mình, từ đó thấy tự hào và biết trân trọng giá trị văn hóa gia đình và dòng họ. Nó cũng là một nguồn tài liệu quý giá trong nghiên cứu gia sử và nhân sự học.

Điều 3. Hội đồng gia tộc

Hội đồng gia tộc là một Thiết chế tự quản của dòng họ Nguyễn Thượng Đạt gồm những người có chung một ông tổ. Hội đồng gia tộc thường gồm Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng họ, các trưởng chi và một số cụ già, người học thức có uy tín để quyết định và điều hành các công việc trong dòng họ. Hội đồng hoạt động không có nhiệm kỳ hạn định, khi khuyết người nào thì cử người khác thay thế.

Điều 4. Gia phả, Tộc ước và các văn bản của Họ Nguyễn Thượng Đạt được in thành sách và được đăng tải trên trang điện tử … có nội dung, hình thức như nhau. Mỗi thành viên, con cháu trong Họ phải trân trọng giữ gìn không để rách nát, hư hỏng.

Điều 5. Hệ thống tên gọi trong gia phả

– Dòng họ: Là các thế hệ nối tiếp nhau nhiều đời, có cùng chung một nguồn gốc tổ tiên. 

 – Chi họ: Là do ông Thủy tổ họ sinh ra và phân chia lần đầu thành các chi họ. Họ Nguyễn Thượng đạt đến nay đã trải quan 13 đời là một họ lớn, do vậy từ đời thứ 2 chia thành Đại chi I[1] và Đại chi II[2];

 – Phái: Là từ các Chi họ tiếp tục phân chia ra thành nhiều phái. Có thể xem ông đầu phái họ là đời thứ 3 của dòng họ. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phái được phân chia từ đời thứ 3 mà có thể đời thứ 4 hoặc đời tiếp theo mới phân phái; 

 – Cành: Mỗi phái lại phân chia ra nhiều cành. Như vậy, con, cháu, chắt… của ông đầu phái là Thủy tổ của mỗi cành họ. 

 – Nhánh: Là từ cành họ được phân chia ra nhiều nhánh, mỗi nhánh họ đều có nguồn gốc từ một cành và mỗi cành đều có nhiều nhánh. 

 – Chi nhánh: Là từ mỗi nhánh, tiếp tục phân chia ra nhiều chi nhánh; và còn tiếp tục phân chia thành nhiều nhóm, có nơi còn gọi là dài. 

 

 

CHƯƠNG II

TỔ CHỨC BỘ MÁY, CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ

CỦA HỘI ĐỒNG GIA TỘC

 

Điều 6. HĐGT là đại diện cao nhất của dòng Họ do Hội nghị đại biểu đại diện các chi, phái, cành, ngành giới thiệu; mỗi chi/phái, cành/ngành giới thiệu ít nhất có 1 thành viên tham gia. Người tham gia Hội đồng gia tộc phải là người có trách nhiệm với dòng họ, bố trí được thời gian tham gia làm việc họ, có tiếng nói trong họ và các chi/phái, cành/ngành.

Khi có kiện toàn, bổ sung thành viên Hội đồng gia tộc thì Chủ tịch Hội đồng phải có trách nhiệm thông báo trong toàn Họ tộc và phải ra mắt giới thiệu trong ngày Giỗ Tổ lần gần nhất.

HĐGT lấy Nhà thờ Họ Nguyễn Thượng Đạt tại Thôn Thượng Đạt, xã Đông Dương, Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. làm trụ sở làm việc và là nơi thờ cúng cao nhất, linh thiêng nhất của Họ Nguyễn Thượng Đạt; là nơi con cháu trở về cội nguồn tiên tổ, chiêm bái, dâng hương lễ tổ; cầu phúc, cầu công danh, cầu gia đình an ninh khang thái…

Điều 7. Bộ máy của Hội đồng gia tộc

– Hội đồng gia tộc có 01 Chủ tịch Hội đồng và 02 phó chủ tịch (01 Phó chủ tịch là Quyền Trưởng nam, 01 Phó Chủ tịch kiêm thủ quỹ).

– Số lượng thành viên HĐGT là số lẻ[3] và do Chủ tịch Hội đồng quyết định cho phù hợp với quy mô, sự phát triển của các chi/phái, cành/ngành.

– Các Ban giúp việc khi tổ chức những việc lớn, sự kiện lớn như giỗ tổ, xây dựng, trùng tu nhà thờ, mộ tổ, viết phả… do Chủ tịch HĐGT và Quyền Trưởng Nam quyết định.

Điều 8. Chức năng và nhiệm vụ của Chủ tịch HĐGT

– Chủ tịch HĐGT là người lãnh đạo cao nhất do HĐGT thống nhất cử ra. Là đại diện pháp nhân, đúng tên chủ tài khoản, là người ký các văn bản đối nội, đối ngoại của HĐGT. Chịu trách nhiệm trước dòng họ, trước pháp luật và chính quyền địa phương về toàn bộ hoạt động của Họ.

– Chủ tịch HĐGT có nhiệm vụ:

+ Chỉ đạo toàn bộ hoạt động của HĐGT, các Ban chuyên môn về mọi hoạt động của Họ tộc;

+ Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Chủ tịch, thành viên HĐGT tổ chức thực hiện các hoạt động của Họ tộc;

+ Hoạch định các hoạt động ngắn hạn, trung hạn và chiến lược của dòng họ;

+ Hàng năm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động của Họ đảm bảo đúng quy định, đúng thuần phong mỹ tục, hiệu quả và tiết kiệm;

+ Chủ trì các phiên họp của Họ tộc và HĐGT;

+ Được ủy quyền cho Quyền Trưởng nam – Phó Chủ tịch điều hành công việc khi vắng mặt.

Điều 9. Chức năng, nhiệm vụ của Quyền Trưởng nam

Chức danh Quyền Trưởng nam thực hiện theo truyền thống Gia Tộc. Quyền Trưởng Nam đương nhiên là Phó Chủ tịch HĐGT.

Quyền Trưởng nam có trách nhiệm trông nom nhà thờ họ, chủ trì tổ chức các kỳ cúng lễ, các nghi lễ lớn trong dòng họ; tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng các công việc trong Họ tộc. Chỉ đạo, chủ trì, chủ động phối hợp với các thành viên trong HĐGT, các ban chuyên môn trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện công việc của Họ tộc trong lĩnh vực được giao.

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của các phó chủ tịch.

Phó Chủ tịch Hội đồng có chức năng tham mưu, giúp việc, cho Chủ tịch Hội đồng trong việc đưa ra các chủ trương, kế hoạch, giải pháp và tổ chức thực hiện hiệu quả các công việc trong Họ tộc;

Chỉ đạo, chủ trì thực hiện các công việc được phân công phụ trách; chủ động phối hợp với các thành viên trong HĐGT, các ban chuyên môn tổ chức thực hiện công việc của Họ tộc trong lĩnh vực được giao, công việc thường xuyên tại trụ sở làm việc, những việc vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Chủ tịch. Tập trung vào công tác thờ phụng tổ đường, chăm sóc phần mộ, xây dựng gìn giữ nét đẹp văn hóa của dòng tộc, khuyến học khuyến tài; xây dựng, trùng tu bảo dưỡng Từ Đường, mộ phần; hướng dẫn phát triển nghiệp vụ, chuyên môn cho các thành viên Hội đồng, các Ban chuyên môn.

Tham gia thường trực tại Từ đường để giải quyết các công việc của HĐGT và dòng Họ đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do trưởng ban phân công. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch HĐGT về các nội dung mình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công việc được phân công và được giao.

 Điều 11. Ủy viên HĐGT

– Có chức năng tham mưu cho Chủ tịch, Phó chủ tịch trong việc xây dựng, tổ chức hoạt động của Họ tộc;

– Chủ trì thực hiện hoặc phối phối hợp với các thành viên trong Hội đồng gia tộc, các Ban chuyên môn trong HĐGT triển khai thực hiện các hoạt động, công việc trong Họ tộc. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch, HĐGT về những công việc được giao.

Điều 12. Chủ tịch danh dự

Chủ tịch danh dự có nhiệm vụ tư vấn, cố vấn cho Chủ tich HĐGT về công tác tổ chức, điều hành một số hoạt động của Họ tộc như: Chiến lược giáo dục, đào tạo con người; xây dựng Tộc phả; xây dựng Từ Đường, Lăng Mộ, các cơ sở thờ tự, mộ phần. Chủ tịch danh dự được mời tham gia các kỳ họp của HĐGT.

Hội đồng gia tộc cử 02 Chủ tịch danh dự:

– PGS – TS Nguyễn Đức Thanh (Đời thứ 9): Chủ tịch danh dự lĩnh vực văn hóa, khuyến học, khuyến tài.

– Ths – Bs Nguyễn Hồng Việt (Đời thứ 11): Chủ tịch danh dự lĩnh vực kiến thiết, xây dựng cơ sở thờ tự, tài sản, di sản, Từ đường, Mộ tổ.

Điều 13. HĐGT được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng thương mại để quản lý tài chính của Họ. Mở sổ theo dõi tất cả các nguồn thu và chi; sau mỗi sự kiện lớn nếu còn kinh phí sẽ gửi ngân hàng. Giỗ tổ hàng năm, HĐGT sẽ công bố công khai các khoản thu chi trong vòng 01 năm.

Điều 14. HĐGT hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững của dòng Họ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, thiểu số phục tùng đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mỗi thành viên trong HĐGT phải làm tốt nhiệm vụ được phân công, đồng thời chủ động tham gia các phong trào của dòng Họ và của địa phương.

Điều 15. HĐGT thành lập các Ban chuyên môn giúp việc:

1. Ban Văn hóa, Khuyến học gồm: 1 trưởng ban do Phó chủ tịch Hội đồng kiêm nhiệm và các ủy viên đại diện cho các chi, ngành. HĐGT suy tôn 1 thành viên là Chủ tịch danh dự là người có học hàm, học vị cao, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn quan tâm đến việc Họ nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục làm để trao giấy khen và phát động phong trào học tập trong dòng họ.

2. Khi có các công việc lớn của Họ tộc, HĐGT căn cứ vào nhu cầu thực tế để thành lập các ban giúp việc như: Ban Tổ chức, Ban Tài chính, Ban Hậu cần, Ban Kiến thiết xây dựng. Người tham gia các ban giúp việc phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, luôn quan tâm đến việc Họ, hiểu biết các lĩnh vực liên quan để giúp việc cho HĐGT.

Điều 16. Chức năng nhiệm vụ Ban Văn hóa, Khuyến học.

1.Tham mưu, chủ trì xây dựng, triển khai các văn bản hướng dẫn và phát động phong trào khuyến học, khuyến tài trong dòng họ thực sự có hiệu quả.

2. Phân công cụ thể từng thành viên trong Ban phối hợp với các chi, ngành hàng năm rà soát lên danh sách các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi các trường phổ thông; các cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học; các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt khó để học tập, kịp thời báo cáo đề xuất HĐGT có hình thức động viên khen thưởng.

3. Tham mưu, tuyên truyền, vận động, khai thác mọi nguồn kinh phí khuyến học, khuyến tài, đề xuất cơ chế khen thưởng phù hợp với từng đối tượng nhằm động viên con cháu vươn lên trong học tập.

4. Chủ động tham mưu, đề xuất và chịu trách nhiệm chính trong việc biên soạn, xuất bản Tộc phả. Hướng dẫn các chi, ngành thường xuyên bổ sung Gia phả; rà soát, ghi chép, lưu giữ thông tin, tài liệu về các cá nhân tiêu biểu trong họ như anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu, liệt sỹ; giám đốc các sở, ngành, cơ quan, xí nghiệp lớn; bí thư, chủ tịch cấp quận, huyện trở lên; các sỹ quan từ cấp tướng và tương đương trở lên; các nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân; thầy thuốc, nghệ sỹ, nhà giáo nhân dân, ưu tú; giáo sư, tiến sỹ; các cháu đạt huy chương trong các kỳ thi quốc tế, quốc gia…phục vụ tốt việc biên tập, xuất bản cuốn “Thế Phả Họ Nguyễn Thượng Đạt”.

5. Thường xuyên sưu tầm nguồn gốc, truyền thống dòng họ, lưu giữ hệ phả; sưu tầm tư liệu, thần sắc, sắc phong, hương ước, di tích thờ tự, nghi lễ tổ chức giỗ Tổ, xây dựng, trùng tu mộ Tổ, Từ Đường, nhà thờ… Cung cấp tư liệu, thông tin lịch sử phục vụ việc phục dựng, trùng tu, xây dựng các nhà thờ trong họ.

6. Quản lý tốt trang điện tử của dòng Họ. Kiểm soát chặt chẽ các bài viết, thông tin, hình ảnh trên trang điện tử đảm bảo giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dòng Họ, đảm bảo an ninh, an toàn. Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các họ trong và ngoài tỉnh.  

7. Làm tốt công tác tuyên truyền, thu thập, phổ biến thông tin, kết nối họ tộc, hướng dẫn các chi liên lạc với các gia đình, con cháu hiện tại chưa liên lạc được. Cập nhật gương người tốt, việc tốt và các sự kiện của dòng Họ để viết bài, chụp ảnh đăng tin.

8. Thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo với Chủ tịch, HĐGT, Chủ tịch danh dự và thực hiện tốt nhiệm vụ khác được phân công.

CHƯƠNG III

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

 

Điều 17. Quy định về quyền lợi thành viên trong họ

1. Thành viên họ Nguyễn Thượng đạt là cộng đồng con cháu được quyền mang họ Nguyễn Thượng Đạt gồm: con trai, con gái (kể cả con ngoài giá thú, con nuôi hợp pháp), con dâu. Khi con gái lấy chồng vẫn được hưởng một số quyền lợi, nghĩa vụ như thành viên của dòng họ.

2. Thành viên trong họ đủ 18 tuổi được tham gia bàn bạc các công việc của họ; đủ 21 tuổi được các chi, ngành giới thiệu ứng cử vào các chức danh trong họ. Mọi thành viên được quyền đóng góp, công đức kinh phí, tài sản, ngày công lao động vào mọi công việc của họ. Khi hoạn nạn, đau yếu được thăm hỏi, động viên; khi qua đời được tổ chức phúng viếng và đưa tiễn đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

3. Con cháu bên ngoại được quyền tham gia việc họ; tham gia tế lễ, đóng góp, tiến cúng; bảo vệ gia phong của dòng họ. Khi đau yếu hoặc qua đời HĐGT căn cứ vào sự hiếu thảo để thăm hỏi, động viên, phúng viếng. Những trường hợp đặc biệt con cháu bên ngoại được quyền đề nghị HĐGT xem xét quyết định trở thành thành viên chính thức của Họ Nguyễn Thượng Đạt. 

4. Mọi thành viên trong họ được ghi vào Tộc phả theo đúng thứ bậc. Khi con gái lấy chồng được ghi họ, tên chồng, quê chồng hoặc nơi định cư vào Gia phả. Gia phả của chi, ngành, gia đình phải cập nhật thường xuyên đầy đủ các sự kiện, công việc của các bên nội ngoại phục vụ cho việc theo dõi, tế lễ…

5. HĐGT hoan nghênh và ghi nhận tấm lòng thiện tâm của của tất cả con cháu nội ngoại, dâu rể; các cơ quan, doanh nghiệp nơi các con cháu trong Họ công tác đã công đức góp phần xây dựng cơ sở vật chất, các hoạt động tâm linh của Gia tộc. Tất cả các hoạt động trên phải được sự đồng ý cho phép của HĐGT, phù hợp với quy định của địa phương và Pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm, nghĩa vụ thành viên trong họ

1. Các thành viên trong họ phải chú trọng thực hiện Tộc ước của dòng họ cùng với những quy định của địa phương, của pháp luật hiện hành. Giữ đúng tình cảm huyết thống, tôn ty trật tự trong họ. Nghiêm cấm việc phát ngôn thiếu tính xây dựng, chia rẽ, bè phái ganh tỵ giữa các chi, ngành, các gia đình, thành viên. Những việc hoặc vấn đề chưa rõ, chưa hiểu xin ý kiến các vị cao tuổi, các chi, ngành và HĐGT.

2. Chủ động tham gia nhiệt tình các hoạt động, công việc của họ. Tự nguyện đóng góp đầy đủ suất đinh, các khoản thu đã được HĐGT, các chi, ngành thông báo. Có thể góp bằng tiền, ngày công, hiện vật… Hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được HĐGT, các chi, ngành phân công, không tư lợi.

3. Thành viên trong họ từ 80 tuổi trở lên được miễn các khoản đóng góp việc họ. Tuy nhiên, các bậc cao niên thành tâm tiếp tục đóng góp, công đức HĐGT trân trọng chấp nhận. Đối với những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc do ốm đau kéo dài HĐGT xem xét có thể miễn, hoãn tạm thời hoặc lâu dài.

4. Tất cả các thành viên có nghĩa vụ giữ gìn gia phong, truyền thống tốt đẹp của dòng họ. Chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình; chăm sóc bố mẹ, ông bà; chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con cháu khỏe mạnh, ngoan hiền phù hợp thuần phong mỹ tục, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Điều 19. Quy định về việc hỷ

1. Khi có thành viên mới: Thành viên trong họ khi sinh con hoặc nhận con nuôi sau khi hoàn thành thủ tục hành chính thông báo cho trưởng chi để yết cáo tổ tiên và nhập họ, ghi gia phả. Gia đình có thể đến lễ tại Mộ Tổ, Từ Đường Họ để cầu phúc cho cháu.

2. Kết hôn: Các gia đình trong họ có con, cháu kết hôn sau khi hoàn thành thủ tục hành chính, trước khi tổ chức hôn lễ thông báo cho trưởng chi yết cáo tổ tiên, nhập họ, ghi gia phả. Gia đình có thể tổ chức cho các cháu đến lễ tại Mộ Tổ, Từ Đường Họ để cầu phúc. Việc tổ chức hôn lễ cho con, cháu đảm bảo trang trọng, vui vẻ, văn minh, tiết kiệm.

3. Việc mừng thọ: Những thành viên không phân biệt ngôi thứ từ 70 tuổi trở lên cứ 5 năm một lần được họ mừng thọ. HĐGT tổ chức vào dịp đầu xuân nhân ngày Giỗ Tổ. Những người đến dự được tặng Giấy chúc thọ và quà. Đối với các cụ thọ 100 tuổi trở lên cứ 5 năm được tặng thêm 1 bộ quần áo màu đỏ. Những thành viên vì lý do sức khỏe hoặc ở xa không đến dự, HĐGT có thể đến gia đình hoặc gửi qua các chi, con cháu trao tặng. 

4. Thành viên trong họ khi đạt học vị thạc sỹ, tiến sĩ, được phong học hàm Giáo sư, phó Giáo sư, được tặng các danh hiệu cao quý được ghi trong Khoản 4 Điều 16 thì báo cáo với trưởng chi yết cáo tổ tiên, ghi gia phả. HĐGT tổ chức vinh danh cho các cá nhân, ghi tên vào sổ vàng danh dự của dòng họ vào thời điểm thích hợp.

Điều 20. HĐGT mở sổ vàng để lưu danh

1. Sổ vàng lưu danh công đức: Các cá nhân, gia đình nhiều đời có công lớn trong việc xây dựng, chăm lo, gìn giữ hương hỏa, Từ Đường, nhà thờ, mộ phần, duy trì các lễ nghi truyền thống của dòng tộc.

– Các cá nhân, gia đình, tổ chức góp công, góp của, trí tuệ, công đức nguồn kinh phí lớn, đất đai, vật tư, đồ thờ tự…để xây dựng Từ Đường, nhà thờ, mộ phần và duy trì các hoạt động của dòng Họ.

2. Sổ vàng lưu danh trí đức:

– Các cá nhân, gia đình từ 02 đời trở lên có công trong việc tìm kiếm, thu thập, lưu giữ các di sản, thông tin, tài liệu về truyền thống gia tộc; phục dựng gia phả và các văn bản liên quan đến hoạt động của dòng họ.

– Các cá nhân được ghi trong mục 4 Điều 16 của Tộc ước.

 3. Các chi, ngành mở sổ ghi công đức, trí đức cho chi, ngành mình.

4. HĐGT họp xem xét, quyết định cụ thể từng cá nhân, gia đình, tổ chức trước khi ghi vào sổ vàng. Tiêu chuẩn trên do HĐGT quyết định tùy từng thời điểm, giá trị của hiện vật, nhất là những hiện vật hữu hình có giá trị về tâm linh, truyền thống.

5. Mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức có thể được ghi nhiều lần vào sổ vàng.

Điều 21. Quy định về thăm hỏi

1. Ngày Tết  cổ truyền, HĐGT thay mặt họ tổ chức thăm hỏi, chúc tết các cụ cao niên trong họ từ 90 tuổi trở lên. Các cụ ở xa các chi, ngành thay mặt HĐGT gửi quà của HĐGT đến chúc tết các cụ. Trưởng chi, ngành có trách nhiệm lập danh sách báo cáo Chủ tịch HĐGT để tổ chức việc thăm hỏi chu đáo.

2. Người ốm đau nhẹ, điều trị ở nhà ít ngày thì các gia đình trong chi, trong họ gần kề qua lại thăm hỏi động viên.

3. Người bị bệnh hiểm nghèo, gia đình trong họ gặp rủi ro, hoạn nạn HĐGT trực tiếp đến thăm hỏi, động viên. Trường hợp cần thiết HĐGT tổ chức vận động cộng đồng họ đến thăm hỏi, giúp đỡ hoặc quyên góp trợ cấp kịp thời.

Điều 22. Quy định về việc hiếu

1. Gia đình có người mất thì báo trưởng chi, trưởng chi có trách nhiệm báo Chủ tịch HĐGT để phân công người phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tang lễ chu đáo.

2. HĐGT tổ chức phúng viếng theo quy định. Các gia đình trong họ phúng viếng tuỳ tâm. Nếu người quá cố thuộc diện con cháu trẻ tuổi, gia đình không tổ chức lễ tang thì HĐGT đến thăm hỏi, chia buồn.

3. Việc phúng viếng, tiễn biệt là tình cảm của mỗi thành viên, gia đình. HĐGT không tổ chức theo đoàn mà khuyến cáo con cháu trong họ tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm. Những trường hợp ở xa HĐGT có thể bố trí đại biểu thay mặt cho dòng họ đến phúng viếng, kinh phí được trích từ quỹ họ.

Điều 23. Quy định về các ngày giỗ, ngày lễ, tuần rằm

1. Giỗ Tổ vào ngày 21 tháng Giêng hàng năm được tổ chức trọng thể tại Từ Đường Họ.

2. Tết nguyên đán Từ Đường Họ mở cửa từ ngày 30 tháng Chạp đến hết ngày mồng 3 tháng Giêng. Đêm giao thừa HĐGT tổ chức cho con cháu về lễ Tổ. Đây cũng là thời điểm linh thiêng tế lễ giỗ Cụ Tổ Cô Nguyễn Thị Ý Yên của dòng Họ. HĐGT mong con cháu gần xa tạo điều kiện về dâng hương cầu phúc.

3. HĐGT duy trì tổ chức lễ cúng rằm hàng tháng tại Từ Đường Họ do con cháu  tự nguyện tham gia. Đây là hoạt động văn hóa tâm linh đã trở thành truyền thống của dòng họ.  

Điều 24. Quy định việc quản lý, giữ gìn Từ Đường, Lăng Mộ Tổ, cơ sở thờ tự, di sản, tài sản của dòng họ

1. Quyền Trưởng Nam, HĐGT thay mặt dòng họ trực tiếp quản lý, hương khói, gìn giữ Tổ Đường, Lăng Mộ Tổ, hương hỏa, di sản, tài sản của dòng họ.

2. Tổ Đường là nơi linh thiêng, tôn nghiêm thờ cúng Tổ Tiên từ Cụ Thủy tổ Nguyễn Viết Thành và các đời tiếp theo theo đúng phong tục truyền thống. Nghiêm cấm việc tự ý thay đổi hàng thứ, vị trí các bát hương, đồ thờ tự nội thất; trồng thêm cây cảnh, mắc thêm điện  trong khuôn viên… hoặc đưa thân thích của gia đình mình vào thờ tại Tổ Đường. Trường hợp con cháu ở xa có nhu cầu xin chân nhang về thờ phụng phải được Chủ tịch HĐGT, Quyền Trưởng nam cho phép và phải làm đầy đủ thủ tục tâm linh.

3. Lăng Mộ Tổ là nơi yên nghỉ linh thiêng của Tổ Tiên phải thật sự yên tĩnh. Thường xuyên chăm lo vệ sinh đảm bảo phong quang, sạch đẹp. Việc trùng tu, xây dựng, sửa chữa do HĐGT quyết định. HĐGT hoan nghênh con cháu gần xa thường xuyên về dâng hương cầu phúc. Nghiêm cấm việc tự tiện sửa chữa, yểm đảo hoặc có những hoạt động mê tín dị đoan tại Mộ Tổ, Từ Đường.

4. Mọi thành viên con cháu trong họ có trách nhiệm chăm lo, gìn giữ Tổ Đường, Mộ Tổ và các di sản, tài sản của Họ tộc. Chú tâm tìm tòi phát hiện các di sản của dòng họ và thông báo cho HĐGT biết và sưu tầm làm phong phú thêm di sản dòng họ.

5. Hương hỏa, di sản, tài sản của dòng họ gồm đất đai Từ Đường, nhà thờ, lăng mộ, đồ thờ phụng, các hiện vật tiến cúng, tộc phả, bia đá, sổ vàng, Tộc ước, các văn bản … là những tài sản vô giá. Tất cả chỉ sử dụng cho hoạt động của dòng họ. Trường hợp đặc biệt các chi, ngành, gia đình hoặc thành viên có nhu cầu mượn về phục vụ các hoạt động tâm linh hoặc nghiên cứu tìm hiểu về cội nguồn phải được sự đồng ý của chủ tịch HĐGT hoặc Quyền Trưởng Nam. Hiện vật khi sử dụng xong phải trả ngay, không được truyền tay, khi mượn, trả đều phải ký nhận, nếu làm mất, hư hỏng phải bồi thường.

 

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN HIỆN

 

Điều 27. Tất cả con cháu trong họ tộc có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc những quy định trong Tộc ước. HĐGT, các chi, ngành, ban giúp việc và mỗi thành viên thường xuyên tự kiểm điểm để điều chỉnh hành vi, lối sống của mình đồng thời nhắc nhở, khuyên răn, động viên mọi người cùng thực hiện.

Điều 28. Tập thể, gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc, có đóng góp lớn HĐGT biểu dương, khen thưởng. Những gia đình, cá nhân cố tình vi phạm Tộc ước, HĐGT sẽ có hình thức nhắc nhở tại các chi, ngành.

Điều 29. Những cá nhân, gia đình không tham gia việc Họ không chịu sự điều chỉnh của Tộc ước. Tuy nhiên, những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc do ốm đau kéo dài đã được HĐGT miễn, hoãn 1 phần hoặc toàn bộ kinh phí đóng góp và các hoạt động của Họ (Điều 18 mục 3) thì vẫn được hưởng các quyền lợi như mọi thành viên trong Họ.

Điều 30. Tộc ước này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Tộ ước được HĐGT phổ biến tại Hội nghị ngày Giỗ tổ. Trưởng các chi, phái, ngành có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể các gia đình, thành viên trong Họ.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG GIA TỘC

CHỦ TỊCH

 



[1] Đại chi I: Cụ tổ Nguyễn Viết Tài

[2] Đại chi I: Cụ tổ Nguyễn Viết Ban

[3] Hiện nay, HĐGT có 7 thành viên